Xuân Lan

Chương 30




Bà ta cứ đinh ninh là Tĩnh Tĩnh đã lên xe ngựa của tôi rồi nên cũng không đi tìm...

 

Tam di nương khóc lóc thảm thiết, muốn chạy ra ngoài tìm con gái lớn nhưng bị người giữ lại. Đại di nương, người luôn im lặng, cũng lén lút khóc thút thít. Ta chợt nhớ ra, Đại di nương có một đứa con trai.

 

Khi xưa, phụ thân ép buộc nàng làm di nương, đương nhiên không thể để nàng mang con trai vào phủ. Thế là, Đại di nương đành nhờ mối quan hệ của phụ thân, tìm cho con trai một gia đình giàu có hiếm muộn, nhận con làm con nuôi và đổi cả họ theo nhà đó.

 

Con trai đã là con người ta, việc tịch thu gia sản hiển nhiên chẳng liên can gì đến hắn. Đại di nương cũng không thể dắt con trai mình cùng cảnh ngộ trôi dạt khắp nơi. Nhìn cảnh Tam di nương đau khổ mất con, nàng cũng cảm thấy xót xa cho cảnh ngộ tương tự của mình.

 

Tam di nương khóc ngất đi. Cả nhà lặng lẽ vào khách điếm.

 

Kể từ ngày đó, ta không bao giờ gặp lại Vương Tĩnh Tĩnh, người muội muội hiền lành, ít nói ấy nữa.

 

Thật lạ là trong Vương gia đông người như vậy, nhưng ấn tượng của ta về Tĩnh Tĩnh lại nhạt nhòa nhất. Vì nàng luôn ôn hòa lễ phép, cố gắng không làm phiền người khác và cũng rất ít nói.

 

Tam di nương và mẫu thân ta có mối quan hệ không tốt, nên nàng cũng rất xa lạ với ta. Nàng dường như là người ít nói nhất trong số những đứa trẻ. Không phải con chính thất, lại không phải con một của Tam di nương, tính cách của nàng không hề kiêu căng như Vương Bảo Bảo.

 

Lâm Lâm mới ba tuổi, còn nàng đã mười hai, Tam di nương đương nhiên dồn hết tâm tư vào Lâm Lâm. Tĩnh Tĩnh lớn lên trong sự hờ hững của mọi người. Mỗi lần đến thỉnh an tổ mẫu, phải đến khi bà gọi tên nàng, mọi người mới chợt nhận ra: "Ồ, thì ra là con bé cũng có ở đây."

 

Nàng cứ thế lặng lẽ lớn lên, lặng lẽ đi theo mọi người, lặng lẽ tự chăm sóc cho bản thân, rồi cũng lặng lẽ biến mất, không bao giờ xuất hiện nữa...

 

Trong khách điếm, mọi người đang bàn tán xôn xao về chuyện bọn cướp. Lúc này ta mới hiểu, thì ra việc đi lại thời xưa rất dễ gặp phải bọn cướp, chỉ là vấn đề xác suất cao hay thấp mà thôi.

 

Nếu toàn là nữ nhân, chắc chắn họ sẽ không dám đi xa. Trước đây ta luôn cho rằng nữ nhân thời xưa không đủ tự lập, không nghĩ đến việc gây dựng sự nghiệp, tranh giành quyền bình đẳng với nam nhân, mà cứ phải đem vinh nhục của bản thân mình gắn vào nam nhân.

 

Giờ phút này ta đã hiểu sâu sắc rằng, họ không có sự lựa chọn nào khác. Càng là nữ nhân ở tầng lớp thấp hèn, họ càng không có quyền lựa chọn.

 

"Gần đây bọn cướp nổi lên nhiều quá, người c.h.ế.t cũng ngày càng nhiều."

 

"Thời thế loạn lạc quá, mọi người cũng chỉ là bất đắc dĩ mà thôi."

 

"Ở phía nam có mấy người xưng vương rồi, đều tự nhận mình là được trời ủy thác, suốt ngày chỉ lo đánh nhau, nên mọi người đều đổ dồn về kinh thành..."