Xin Chào, Lý Hồng Xuân - Hàm Thanh

Chương 17: Chương 17




Mỗi lần nghĩ đến đây, tôi lại không nhịn được mà nhổ từng cọng cỏ đuôi chó bên mô đất nhỏ.

 

Mãi đến khi bãi cỏ bị nhổ trụi, thì Lý Xuân Hồng đã về rồi.

 

Cô bé đứng trên con dốc nhỏ, vẫy tay với tôi.

 

Cô bé gầy đi, cũng cao lên nữa.

 

Chỉ đứng đó, mỉm cười nhìn tôi.

 

Cô bé nói: "Lâm Hoa, chị già rồi."

 

Tôi cười cười, đến lúc ấy mới nhận ra…

 

Lý Xuân Hồng không hề cao lên.

 

Mà là tôi đã còng xuống.

 

Năm tháng mài mòn con người, tôi nhìn vào khuôn mặt phản chiếu trong gương, chợt hoài nghi rằng…

 

Tôi có còn đủ sức để che chở cho cô bé nữa không?

 

Vẫn còn bao nhiêu chuyện muốn làm mà chưa kịp thực hiện…

 

Tôi có chút trách bản thân đã già đi quá nhanh.

 

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không biết chuyến du hành thời không lần này là tái sinh, xuyên hồn, hay chỉ là ảo ảnh lúc hấp hối của Lý Xuân Hồng.

 

Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức trong cõi hư vô này, bù đắp những tiếc nuối năm xưa, để an ủi linh hồn của một Lý Xuân Hồng khác nơi chín suối.

 

Nhưng tất cả đều là vô ích.

 

Giống như Sisyphus bị nguyền rủa, ra sức đẩy tảng đá lên đỉnh núi, nhưng cuối cùng vẫn không thể ngăn được nó lăn xuống.

 

Thế nhưng tôi vẫn tình nguyện làm vậy.

 

Dù có phải đánh đổi bằng cả sinh mệnh này.

 

Bởi đây là điều tôi nợ bà ấy.

 

Cuộc đời của Lý Xuân Hồng là những chuỗi ngày trôi dạt không nơi nương tựa.

 

Mười chín tuổi làm mẹ đơn thân, từ đó trái tim bà ấy có chỗ để gửi gắm, nhưng cũng gánh đủ khổ đau của cuộc sống.

 

Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã mơ hồ cảm thấy, chính tôi đã hủy hoại cuộc đời của bà ấy.

 

Là tôi đã biến bà ấy thành một bà mẹ đơn thân.

 

Là tôi đã mang đến cho bà ấy những cay đắng nhọc nhằn, buộc bà ấy phải từ bỏ bản thân, bị trói buộc trong cái danh xưng "mẹ của Lý Niệm Từ" suốt mấy chục năm trời.

 

Tôi vẫn luôn tự hỏi…

 

Nếu năm đó, bà ấy không sinh tôi ra trong nhà vệ sinh của trường nghề, liệu cuộc đời bà ấy có thể hạnh phúc hơn một chút hay không?

 

Chỉ cần một chút thôi cũng được.

 

Đây là một câu hỏi mà tôi mãi mãi không tìm được đáp án.

 

Sau đó, bà ấy qua đời.

 

Câu hỏi chưa từng được thốt ra ấy, cũng cùng với cỗ quan tài của bà ấy, bị chôn vùi dưới lòng đất lạnh giá.

 

"Lý Xuân Hồng, mẹ có từng hối hận vì đã sinh con ra không?"

 

Tôi thực ra đã đoán được câu trả lời của bà ấy.

 

Nhưng chính sự hy sinh không chút do dự ấy lại khiến tôi ngạt thở.

 

Để rồi sau này, tôi mới hiểu ra thứ cảm giác ngột ngạt ấy có một cái tên, tội lỗi.

 

Là nỗi day dứt của một đứa con dành cho mẹ mình.

 

Ông trời thương xót, cho tôi một cơ hội để chuộc lỗi.

 

Tôi phải viết lại cái kết cho Lý Xuân Hồng.

 

Cho dù trong cái kết ấy… không có tôi.

 

Lý Xuân Hồng học rất giỏi.

 

Ở một ngôi trường toàn nhân tài, cô bé vẫn có thể giành được học bổng.

 

Nhận được khoản tiền thưởng, cô bé kéo tôi đến nhà hàng Đinh Hương đặt một bàn đầy ắp món ăn.

 

Tôm càng xào tỏi, cá quế sốt chua ngọt, thịt kho nồi đất, còn có cả giò heo hầm kiểu da hổ.

 

Ăn giò heo thì phải ăn da trước.

 

Tôi theo thói quen, gắp phần da giòn rụm, óng ánh nước sốt bỏ vào bát cô bé.

 

Cô bé lại bất ngờ im lặng.

 

Hôm nay nhà hàng đông lạ thường.

 

Trên màn hình tivi đang phát sóng trực tiếp lễ trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc.

 

Mọi người cụng ly chúc tụng, rộn ràng vui vẻ, trong không khí phảng phất mùi xuân của thế kỷ mới.

 

Tôi gọi cho Lý Xuân Hồng một ly bia lớn.

 

Cô bé trưởng thành rồi, có thể uống rượu được rồi.

 

Qua lớp bia màu vàng cam, gương mặt cô bé khẽ biến dạng, những bọt khí nhỏ lơ lửng phản chiếu vô số khuôn mặt trẻ trung.

 

Khi tôi còn rất bé, Lý Xuân Hồng thích buộc một b.í.m tóc dày, vắt nghiêng lên vai.

 

Hàng xóm xung quanh hay gọi bà ấy là "Tiểu Phương", bởi vì bà ấy vừa xinh đẹp vừa dịu dàng, mà cũng để một b.í.m tóc dài giống như vậy.

 

Khi đó, bà ấy chưa biết trang điểm.

 

Không có đường kẻ mắt sắc sảo, không có đôi môi đỏ rực.

 

Trong trẻo mà không hề tầm thường, trong sáng mà không hề nhạt nhòa.

 

Bây giờ, cô bé càng lúc càng giống với hình bóng Lý Xuân Hồng trong ký ức của tôi.

 

Có những khoảnh khắc, tôi thậm chí ngỡ rằng, người đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn ấy, chưa từng an giấc ngàn thu trong căn phòng bệnh lạnh lẽo kia.

 

Qua gương mặt trẻ trung trước mắt, tôi dường như đang nhìn thấy một người khác.

 

Cảm giác này thật kỳ diệu.

 

Nhưng khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, tôi lại thấy trong đôi mắt ấy ngập tràn nghi hoặc.

 

Nhìn nhau hồi lâu, cuối cùng, Lý Xuân Hồng mở miệng hỏi:

 

"Chị… rốt cuộc là ai?"

 

Lần này, cô bé không gọi tôi là "Lâm Hoa".

 

Phải chăng cô bé đã nhận ra, tôi không phải Lâm Hoa?

 

Vậy tôi là ai?

 

Thật trùng hợp, tôi cũng đã tìm kiếm đáp án cho câu hỏi này suốt nửa năm qua.

 

Tôi cười hì hì, định lấp l.i.ế.m cho qua chuyện.

 

Nhưng Lý Xuân Hồng lại nhanh hơn một bước: "Là em gái của anh họ thứ ba bên nhà bố em?"

 

Đây là câu trả lời qua loa mà tôi từng dùng để đối phó với cô bé khi cô bé còn ngây thơ.

 

Cô bé nghiêng đầu, chăm chú nhìn tôi thật lâu, rồi chậm rãi nói:

 

"Nhưng bố em nói, bác ba của ông ta… cả đời không kết hôn."

 

Không khí bỗng trở nên tĩnh lặng.

 

Tôi là ai?

 

Là Lâm Hoa hay Lý Niệm Từ?

 

Là mẹ hay con gái?

 

Tôi lắc đầu, cố gắng giữ cho đầu óc tỉnh táo.

 

Tôi đã suy nghĩ rất lâu, lâu đến mức, lễ hạ cờ của Dinh Tổng trấn Macau cũng đã kết thúc.

 

Những thực khách đang đứng lần lượt ngồi xuống, nhà hàng dần khôi phục sự ồn ào náo nhiệt.

 

Ngay lúc đó, bên ngoài vang lên vài tiếng pháo "vút!"

 

Những chùm tia sáng lấp lánh tuôn trào tựa như những sợi râu rực rỡ được kết bằng những vì sao.