Dựa Vào Làm Ruộng, Ta Có Gia Tài Bạc Triệu

Chương 448: Đại Hoàng nhặt bông lúa




Đối với Tiêu thị mà nói, trượng phu chính là bầu trời của bà ấy, hơn nữa phu quân nhà mình luôn hiền lành, vậy mà bây giờ lại nói ra những lời này, hiển nhiên là không thể nhịn được nữa, không chừng... bà ấy thật sự đã khiến nam nhân mất mặt!

Thể diện của nam nhân rất quan trọng, nếu bị mất mặt quá nhiều lần, nói không chừng sẽ đi tìm niềm vui mới ở bên ngoài...

Nghĩ như vậy, Tiêu thị cắn chặt răng, cuối cùng cũng đồng ý.

Tống Dần Sơn cũng không tiếc tiền, mấy ngày nay làm mì lạnh tích góp được một chút cộng với tiền công hắn ta nhận được khi làm gia cụ lúc trước, hiện giờ trong tay có hơn 2 lượng bạc có thể tiêu.

Tống Anh nói rất rõ ràng, làm như vậy là vì ba nhi tử của Tống Dần Sơn.

Vậy nên, Tống Dần Sơn cắn răng đi lên trấn mua quần áo mới cho hai nhi tử. Bây giờ trời đã bắt đầu trở lạnh, càng phải mặc dày hơn nên chỉ chớp mắt đã tiêu hết sạch bạc.

Quần áo vốn không đắt như vậy, nhưng Tam phòng gần như mua mới hết toàn bộ nên mới tiêu nhiều một chút.  

Sau khi thấy đống đồ được mang về nhà, Tiêu thị suýt nữa thì ngất xỉu.

Nhưng bà ấy không có thời gian để nghĩ nhiều.

Bởi vì tất cả mọi nhà đã bắt đầu thu hoạch lúa.

Toàn thôn đều tất bật.

Tống Anh có nhiều ruộng, mười một mẫu ruộng nước trồng lúa đều đã trổ bông và chín hết. Tống Anh đã sớm đi thăm ruộng lúa của mình, cây nào cũng trĩu hạt, hạt nào cũng căng tròn, hẳn là một mùa thu hoạch bội thu.

Không chỉ mỗi nhà nàng mà những nhà khác trong thôn cũng tràn đầy hy vọng vào vụ thu hoạch năm nay.

"Đúng là kỳ lạ, năm nay cũng không khác gì mấy năm trước mà? Thậm chí còn có nhiều côn trùng hơn một chút đấy, nhưng lúa lại trổ bông nhiều hơn trước!" Không ít người đều không nhịn được mà cảm thán.

Tống Anh cong môi cười.

Tất nhiên là tốt hơn trước đây rồi, bởi vì nàng đã nhờ ếch tinh tới ăn côn trùng mà.

Thế nhưng...

Dường như không khí ở thôn Hạnh Hoa năm nay ngọt thanh hơn những năm trước trong trí nhớ của nguyên chủ rất nhiều.

Lúc này, khắp thôn đắm chìm trong không khí vui mừng, nhà nào cũng bận rộn. Trước đây Tống Anh chưa từng làm nông nhưng nàng có ký ức của nguyên chủ nên khi cầm liềm cũng rất ra hình ra dạng.

Triều Đại Định có rất nhiều giống cây lương thực, khu vực thành Dung chủ yếu trồng lúa nước, ít trồng kê, nếu là nơi khác có khí hậu, đất đai khác biệt thì đương nhiên loại cây lương thực được gieo trồng cũng không giống nhau.

Ở thành Dung, lúa nước và lúa mì được trồng luân phiên, ruộng cạn trồng đậu nành, củ cải đường, khoai tây, khoai lang là chính, cũng có người trồng dâu, trồng gai, nhưng thôn Hạnh Hoa chủ yếu vẫn trồng lúa nước để có lương thực ăn, hiếm có cây dâu.

Nhìn một mảng vàng rực trước mắt, Tống Anh và Ngưu Đại Lực cúi người bắt đầu làm việc.

Ban đầu, tốc độ của hai người đều rất chậm.

Dù sao cũng không quen làm việc này lắm.

Những phụ nhân xung quanh đều không nhịn được mà cười Tống Anh mấy tiếng, còn ồn ào nói khi nào bọn họ cắt xong lúa nhà mình nhất định sẽ sang cắt phụ Tống Anh...

Đừng nói là hàng xóm, ngay cả Tống gia cũng đã hạ quyết tâm, chờ đến khi nhà mình thu hoạch xong hết sẽ lập tức đến giúp Tống Anh một tay.

Nhưng chỉ sau một buổi sáng, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.

Tống Anh cảm thấy bản thân đang đóng giả một cái động cơ nhỏ.

Ngưu Đại Lực đã tìm được bí quyết làm việc.

Nàng ấy dùng một tay nắm lấy bông lúa, một tay khác cầm liềm lia nhẹ qua, một mảng nhỏ lúa bị cắt đứt, không quá một lát đã chất thành một đống nhỏ. Lúc này, Đại Bạch đã kéo xe đẩy tay tới, Ngưu Đại Lực nhẹ nhàng ôm hai chồng bông lúa vừa lớn vừa nặng chất lên xe!

Không cần người đánh xe cũng không cần thúc giục, Đại Bạch lập tức kéo xe lúa về nhà.

Khi đã tới nhà, nhân lúc người khác không chú ý, nhân sâm tinh biến ra sợi rễ thật dài, kéo số lúa đó vào trong sân, còn có ếch tinh âm thầm chạy tới đây giúp một tay.

Khi trên xe đã trống trơn, Đại Bạch lại chạy ra ruộng.

Ngoài ruộng nhà ai cũng có bông lúa rơi vãi dưới đất, đa phần sau lưng người lớn gặt lúa đều có tiểu cô nương đi theo nhặt bông lúa.

Còn đằng sau Tống Anh và Ngưu Đại Lực là... đàn gà nhặt bông lúa.